So Sánh In Kỹ Thuật Số Và In Lưới

Công nghệ in vải cotton kỹ thuật số và in lưới lụa đều có những ưu và nhược điểm riêng, phù hợp với các mục đích sử dụng khác nhau. Cùng tìm hiểu thông tin chi tiết về 2 công nghệ in này trong bài viết dưới đây.

Nội dung chính

Công nghệ in lưới (screen printing)

Công nghệ in lưới, hay còn gọi là in lưới lụa (screen printing), là một phương pháp in truyền thống và phổ biến trong ngành công nghiệp in ấn, đặc biệt là in trên vải cotton. Phương pháp này sử dụng một tấm lưới (thường làm từ vải sợi tổng hợp hoặc lưới thép không gỉ) để truyền mực in lên bề mặt vải. 

In lụa đặt ra rất nhiều hạn chế như về màu sắc, chi tiết nhỏ phức tạp, số lượng ít hay in test mẫu trước khi in sản xuất… Trong in lưới lụa, mỗi màu được áp dụng riêng lẻ trên một màn hình riêng trong một chu kỳ máy, nên in lụa rất khó và thậm chí là không thể đạt được độ dốc hai màu trong các họa tiết khi muốn in màu chuyển sắc. Phương pháp này hoạt động tốt nhất khi in các hình dạng tương đối đơn giản với một số ít màu sắc.

công nghệ in kỹ thuật số

Quy trình in lưới

  1. Chuẩn bị khuôn in
    • Tạo thiết kế: Thiết kế được tạo ra và in lên một tấm phim trong suốt.
    • Chuyển thiết kế lên lưới: Lưới được phủ một lớp nhũ tương cảm quang và sau đó đặt dưới ánh sáng UV cùng với tấm phim thiết kế. Phần không có thiết kế trên phim sẽ cứng lại khi tiếp xúc với ánh sáng UV, trong khi phần có thiết kế sẽ giữ nguyên. Sau đó, lưới được rửa sạch để loại bỏ nhũ tương chưa cứng, tạo thành khuôn in.
  2. Chuẩn bị vật liệu in
    • Vật liệu in (như vải, giấy, gỗ…) được đặt trên một bề mặt phẳng.
  3. In ấn
    • Khuôn in được đặt lên vật liệu in, và mực in được đổ lên lưới.
    • Một thanh cào (squeegee) được sử dụng để đẩy mực qua lưới, truyền mực in lên bề mặt vật liệu thông qua các lỗ hở trên khuôn in.
    • Quy trình này được lặp lại cho mỗi màu sắc trong thiết kế, với mỗi màu yêu cầu một khuôn in riêng.
  4. Hoàn thiện
    • Vật liệu sau khi in xong sẽ được sấy khô hoặc xử lý nhiệt để cố định mực in.

 

Các thành phần chính

  • Lưới in : Lưới có thể được làm từ sợi polyester, nylon hoặc thép không gỉ, tùy thuộc vào yêu cầu cụ thể của công việc in.
  • Nhũ tương cảm quang: Dùng để tạo khuôn in.
  • Phim thiết kế : Tấm phim chứa thiết kế cần in.
  • Thanh cào : Dùng để đẩy mực qua lưới.
  • Mực in : Có thể là mực gốc nước hoặc mực gốc dầu, tùy thuộc vào loại vật liệu và yêu cầu cụ thể của sản phẩm in.
  • Vật liệu in: Vải, giấy, gỗ, kim loại…

 

Ưu điểm của công nghệ in lưới

  • Phù hợp cho sản xuất hàng loạt: Khi đã có khuôn in, bạn có thể in số lượng lớn hoặc tận dụng để in họa tiết đó với màu khác.
  • Đa dạng vật liệu in: Phương pháp này có thể in trên nhiều loại vật liệu khác nhau như vải, giấy, gỗ, kim loại, nhựa…
  • Chi phí thấp cho đơn hàng lớn: Khi đã có khuôn in, chi phí sản xuất trên mỗi đơn vị sản phẩm sẽ giảm đi đáng kể khi bạn in với số lượng lớn. Nếu bạn muốn in số lượng lớn với các họa tiết và màu sắc đơn giản thì công nghệ in lưới lụa là phương án phù hợp. 

 

Nhược điểm của công nghệ in lưới

  • Chi phí đầu tư ban đầu cao: Chi phí làm khuôn in và chuẩn bị ban đầu tương đối cao. Nếu bạn in với số lượng ít thì đồng thời chi phí / số lượng in sẽ cao.
  • Giới hạn chi tiết: Bạn không thể in được các chi tiết quá nhỏ hoặc hình ảnh có độ phân giải cao bằng công nghệ in lụa vì điều đó rất khó để làm khuôn in. Đồng thời nếu in chi tiết nhỏ các màu mực vô tình sẽ bị lẫn vào nhau, dẫn đến không đúng màu sắc cho họa tiết.
  • Thời gian sản xuất lâu: Thời gian chuẩn bị khuôn in và thực hiện in ấn có thời gian trung bình khoảng 7 – 10 ngày. 
  • Giới hạn số màu sắc: Mỗi lần chỉ in được 1 màu, nên công nghệ in này không cho phép in màu chuyển sắc 
  • In số lượng ít với chi phí cao: Chi phí làm khuôn in cao nên nếu bạn in với số lượng ít thì chi phí in sẽ bị đẩy cao và ngược lại. Hơn thế là công nghệ in lụa chỉ nhận in với số lượng từ 400m/mẫu trở lên

 

Công nghệ in kỹ thuật số trực tiếp (Direct Digital Textile Printing)

Công nghệ in kỹ thuật số trực tiếp là một phương pháp in tiên tiến, trong đó mực in được phun trực tiếp lên bề mặt vải thông qua các đầu phun in kỹ thuật số. Công nghệ này không cần qua bước chuyển mực từ giấy sang vải như in thăng hoa, mà mực in được phun trực tiếp lên vải.

công nghệ in kỹ thuật số

Quy trình in kỹ thuật số trực tiếp

1. Chuẩn bị thiết kế:

  • Thiết kế được tạo ra bằng phần mềm đồ họa và sau đó chuyển sang máy in kỹ thuật số.

2. Chuẩn bị vải:

  • Vải được xử lý trước (pre-treatment) để cải thiện khả năng bám mực và độ bền màu. Quy trình này bao gồm việc phun chất xử lý lên bề mặt vải sau đó sấy khô và giặt để loại bỏ các tạp chất. 

3. In ấn:

  • Vải được đưa vào máy in kỹ thuật số. Máy in sẽ sử dụng các đầu phun in phun mực trực tiếp lên bề mặt vải theo thiết kế đã được lập trình sẵn.
  • Mực in sẽ thấm sâu vào từng sợi vải sau đó qua quá trình sấy nhiệt để cố định màu và làm khô mực in.

4. Hoàn thiện:

  • Vải sau khi in xong có thể được giặt và xử lý để loại bỏ chất xử lý và mực dư thừa, đảm bảo chất lượng in và độ bền màu. Đồng thời đây cũng là bước tạo độ mềm mịn mượt mà cho vải.

Các thành phần chính của công nghệ in kỹ thuật số

  • Máy in kỹ thuật số: Được trang bị các đầu phun mực công nghiệp có tốc độ in nhanh và chính xác cao.
  • Mực in: Mực in gốc nước đạt chứng chỉ Oeko-tex, rất an toàn cho người sử dụng và thân thiện với môi trường
  • Chất xử lý vải trước khi in : Hồ keo dùng để xử lý bề mặt vải trước khi in, giúp mực bám tốt hơn và màu sắc đẹp hơn.

 

Ưu điểm của công nghệ in kỹ thuật số

  • Chất lượng hình in cao: Công nghệ in kỹ thuật số cho phép in các hình ảnh – họa tiết nhỏ, khó, phức tạp với độ phân giải cao, chi tiết rõ nét và màu sắc sống động, tươi sáng hơn công nghệ in lưới. 

Hơn thế, bạn có thể in được hàng nghìn màu sắc chính xác, in màu chuyển sắc, màu loang với độ dốc mượt mà. Bởi vì máy in được không gian màu rộng, tự động tái tạo được hàng nghìn màu từ bảng màu CMYK, Red, Blue, Orange, Light Black, Light Magenta.

  • Linh hoạt: Có thể in được các thiết kế phức tạp và đa dạng mà không cần phải tạo khuôn in riêng biệt cho mỗi mẫu thiết kế. Đặc biệt, công nghệ này cho phép máy in có thể dừng lại kể cả lúc đang in để chỉnh sửa thiết kế, thay đổi thiết kế…

Ngoài ra, công nghệ này còn linh động trong số lượng in, nó có thể in từ 1 mét đến không giới hạn. Điều này rất thích hợp cho các đơn vị muốn in test thiết kế trên vải thật để kiểm soát tốt màu sắc, độ cứng hay độ co của vải… trước khi in số lượng lớn.

  • Thời gian sản xuất nhanh: Công nghệ in kỹ thuật số thích hợp cho các đơn vị muốn in nhanh có vải sử dụng luôn hoặc có đơn hàng gấp cần trong thời gian ngắn. Hay các đơn vị thời trang vừa và nhỏ in với số lượng ít, sản xuất theo đơn đặt hàng… Những người mới bắt đầu khởi nghiệp với lĩnh vực thời trang. 
  • Tiết kiệm chi phí cho đơn hàng nhỏ: Không mất chi phí làm khuôn in, nên bạn sẽ tiết kiệm chi phí in cho các đơn hàng số lượng ít.

công nghệ in kỹ thuật số

Nhược điểm của công nghệ in kỹ thuật số

  • Chi phí cao hơn cho đơn hàng lớn: Mặc dù chi phí in số lượng nhỏ thấp nhưng công nghệ in này lại có chi phí in số lượng lớn cao hơn nhiều hơn so với in lưới lụa 
  • Giới hạn về loại vải: Không phải loại vải nào cũng phù hợp với công nghệ in kỹ thuật số, in kỹ thuật số trực tiếp bằng mực Pigment chỉ dành cho các loại vải có thành phần sợi tự nhiên cao từ 65% – 100%. Như vải thun cotton 2 chiều, thun cotton 4 chiều, vải linen, vải bamboo, vải ramie, vải muslin… Đặc biệt, vải phải là nền trắng hoặc nền màu nhạt thì mới có thể in các họa tiết màu đậm lên màu đẹp nhất.

Xem video in trực tiếp lên vải sợi tự nhiên bằng công nghệ in kỹ thuật số Tại đây

Có thể nói, công nghệ in kỹ thuật số phù hợp cho các đơn vị thời trang làm hàng trung và cao cấp trở lên, có thiết kế phức tạp, yêu cầu chất lượng in cao, độ bền màu cao, vải mềm mịn… hay làm hàng thời trang xuất khẩu và sản xuất số lượng ít với nhiều. Công nghệ in lưới lụa thích hợp cho các đơn hàng sản xuất công nghiệp có họa tiết hay hình ảnh đơn giản và không yêu cầu cao về màu sắc. Tùy vào nhu cầu cụ thể của bạn mà có thể lựa chọn công nghệ in phù hợp nhất với sản phẩm của mình. Hy vọng bài viết hữu ích cho bạn.

5/5 (4)

Thực hiện bởi: In Vải Đăng Quang